Hà Nội đang xúc tiến quy hoạch xây dựng hệ thống đường sắt đô thị với tổng chiều dài lên đến hàng trăm km, nhằm giảm áp lực giao thông và phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại. Trong đó, tuyến đường sắt đô thị số 4 được coi là một trong những dự án trọng điểm, với chiều dài lên đến 54 km, dài nhất trong tất cả các tuyến.
Theo quy hoạch ban đầu, tuyến Metro số 4 sẽ đi theo hình vòng tròn, đi qua các quận Đông Anh, Sài Đồng, Vĩnh Tuy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Thượng Cát và Mê Linh. Tuyến này sẽ kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5, tạo thành một mạng lưới đường sắt đô thị liên hoàn trong nội thành và vùng ven.
Đáng chú ý, tuyến Metro số 4 được quy hoạch đi qua dự án Vinhomes Global Gate – khu đô thị quy mô lên đến 385ha tại phía Đông Thủ đô, do Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng. Với quy mô lên lớn và hàng nghìn căn hộ, Vinhomes Global Gate được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm đô thị sầm uất mới của Hà Nội trong tương lai. Việc tuyến đường sắt đô thị số 4 đi qua khu vực này sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng chục nghìn cư dân tương lai, đồng thời kết nối khu đô thị mới với các quận nội thành và các tuyến giao thông khác.
Tuy nhiên, gần đây Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã kiến nghị UBND Thành phố điều chỉnh cục bộ quy hoạch tuyến số 4, đoạn tuyến phía Nam sông Hồng trong đường Vành đai 3, từ đi trên cao sang đi ngầm. Cụ thể, Sở đề xuất điều chỉnh trắc dọc tuyến đi ngầm tại khu vực nút giao giữa đường Vành đai 2,5 và đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), làm cơ sở để triển khai dự án xây dựng hầm chui tại nút giao này.
Lý do của việc điều chỉnh là nhằm sớm thông tuyến đường Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng ra đường Giải Phóng. Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị UBND đề xuất HĐND Thành phố xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hầm chui tại nút giao trên, làm cơ sở để chủ đầu tư lập, trình phê duyệt dự án điều chỉnh.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội sẽ bao gồm 10 tuyến, kết hợp cả các tuyến trên cao và đi ngầm. Ngoài ra, Hà Nội còn dự kiến xây dựng thêm ba tuyến tàu điện một ray.
Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị này lên đến khoảng 40 tỷ USD, tương đương gần 1 triệu tỷ đồng. Cụ thể, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2017 – 2020 là 7,55 tỷ USD, giai đoạn 2021 – 2025 là 7,6 tỷ USD, giai đoạn 2026 – 2030 là 3,56 tỷ USD và sau năm 2031 là 21,3 tỷ USD.
Theo khái toán của Hà Nội, bình quân suất đầu tư cho mỗi km đường sắt đô thị đạt 95,8 triệu USD, tương ứng 2.182 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng đường sắt trên cao là 80 triệu USD/km (tương đương 1.823 tỷ đồng/km), còn chi phí xây dựng đường sắt ngầm lên đến 170 triệu USD/km (tương đương 3.874 tỷ đồng/km).
Trước đó, ngày 28/7/2021, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành công văn số 5135/VPCP-CN lấy ý kiến về chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 4 thành phố Hà Nội, đoạn tuyến phía Nam sông Hồng (trong Vành đai 3) từ đi cao sang đi ngầm.
Có thể thấy, với quy hoạch xây dựng hàng chục km đường sắt đô thị hiện đại kết hợp cả tuyến trên cao và ngầm, Hà Nội đang quyết tâm nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân trong tương lai.